10 sự kiện công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam nổi bật năm 2018

Ngày 28/12/2018, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2018, do các nhà báo theo dõi mảng công nghệ thông tin – viễn thông bình chọn.

Năm 2018 có thể nói là một năm “nhiều sóng gió” của làng công nghệ, với nhiều sự kiện gây những làn sóng tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội như việc thông qua Luật An ninh mạng, và cả những sự kiện gây ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng như chuyển thuê bao di động 11 số về 10 số, thuê bao đổ xô đi cập nhật ảnh chân dung, hay chính sách chuyển mạng giữ nguyên số sau bao lần trì hoãn cuối cùng cũng đã được thực thi. Hai vụ việc liên quan đến pháp lý và công nghệ gồm đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng được đưa ra xét xử và việc nhà mạng MobiFone huỷ mua 95% cổ phần công ty AVG cũng được đông đảo dư luận quan tâm. Với tiềm lực tài chính dồi dào, tập đoàn Vingroup chỉ trong vài tháng đã cho ra mắt smartphone thương hiệu Vsmart và tham gia vào nhiều lĩnh vực công nghệ là một trong số ít những điểm sáng trong bức tranh ICT 2018.

Dưới đây là 10 sự kiện ICT Việt Nam tiêu biểu năm 2018:

1 – Thông qua dự án Luật An ninh mạng

Ngày 12/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua dự án Luật an ninh mạng, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Trong phiên thảo luận về dự án Luật An ninh mạng trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến cho rằng cần tránh chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng đã có. Cũng có quan điểm về lo ngại về quy định lưu trữ thông tin đối với các công ty đa quốc gia như Google, Facebook… Tuy vậy, Bộ Công an khẳng định: quy định lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam trong Luật An ninh mạng là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mỗi người dân cần thận trọng khi sử dụng mạng xã hội

2 – Các nhà mạng chuyển thành công thuê bao 11 số về 10 số

Từ ngày 15/9/2018 có khoảng 60 triệu thuê bao 11 số chuyển về 10 số. Sau khi thuê bao 11 số về 10 số thì những số 11 số đó sẽ để phát triển cho các thuê bao là kết nối với những thiết bị máy móc thông minh. Theo Bộ TT&TT, với quy hoạch kho số mới, Việt Nam sẽ có trên 500 triệu số thuê bao di động 10 chữ số cho liên lạc người với người và khoảng 1 tỷ số thuê bao di động cho liên lạc thiết bị với thiết bị để phát triển Internet vạn vật.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng những chính sách này đã ít nhiều ảnh hưởng đến họ và đây cũng là điều mà cơ quan quản lý phải đầu tư xây dựng quy hoạch và chiến lược tốt hơn để tránh ảnh hưởng đến người dân.

3 – Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng

Ngày 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ bắt đầu xét xử sơ thẩm 92 bị cáo trong vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đây là đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến với tổ chức tinh vi, quy mô hoạt động lớn, thu hút hàng nghìn tỉ đồng và hàng triệu con bạc tham gia đánh bạc, Đặc biệt hơn là vụ việc liên đới tới C50 – Đơn vị có trách nhiệm ngăn chặn hoạt động này và liên đới tới các cựu lãnh đạo của Bộ Công an. Bản án dành cho các đối tượng liên quan là lời cảnh tỉnh sâu sắc cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nhưng lại bỏ qua các yếu tố luật pháp, chính sách.

4 – Vingroup nhảy vào lĩnh vực ICT và sản xuất điện thoại, thiết bị thông minh

Chỉ sau đúng 6 tháng bắt tay vào dự án, ngày 14/12, Vingroup ra mắt 4 dòng điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart có giá 2.490.000 đồng đến 6.290.000 đồng. Chưa dừng lại ở đó, Vingroup tuyên bố đầu tư 1.200 tỷ đồng xây nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh như tivi, smarthome, thiết bị IoT… để tạo ra các sản phẩm “Made in Vietnam”, “Made by Vingroup”. Dự kiến nhà máy sẽ hoạt động từ quý II năm 2019 và có công suất mỗi năm sản xuất từ 3 – 4 triệu sản phẩm.

Vingroup cũng đã thành lập cùng lúc 4 công ty con với tổng số vốn 390 tỷ đồng về an ninh mạng, giải pháp công nghệ, sản xuất phần mềm và du lịch. Với mảng công nghệ, Vingroup xác định nhiều mũi nhọn để có thể thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ, trong đó có 3 điểm chính. Đầu tiên là tập trung đầu tư đội ngũ nhân sự, hạ tầng để phát triển sản xuất phần mềm với việc thành lập Công ty VinTech, tách ra từ Công ty VinSmart, tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới, đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City theo mô hình của thung lũng Silicon tại Hà Nội.

5 – Sếp Viettel làm Bộ trưởng Bộ TT&TT

Ngày 3/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Trước đó, Bộ Chính trị đã có quyết định chỉ định ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021. Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giới truyền thông bình chọn là 1 trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu vì có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam. Giới truyền thông kỳ vọng, là người có hiểu biết sâu sắc về thực trạng CNTT-VT Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng có thể đưa nền công nghệ thông tin và viễn thông phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

6 – Thực hiện chính sách chuyển mạng giữ nguyên số

Từ ngày 16/11/2018, Viettel, VinaPhone, MobiFone cung cấp dịch vụ cho thuê bao trả sau được chuyển mạng giữ nguyên số. Từ 1/1/2019, các doanh nghiệp Viettel, VinaPhone, MobiFone và Vietnamobile sẽ đồng loạt cung cấp dịch vụ chuyển mạng cho cả thuê bao di động trả trước và trả sau.

Như vậy, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số sau nhiều năm trì hoãn cũng đã được triển khai thực tế, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường viễn thông, doanh nghiệp viễn thông, thuê bao di động và đáp ứng mục tiêu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Đây có thể coi là một kênh phát triển thuê bao của doanh nghiệp viễn thông trong bối cảnh thị trường viễn thông di động đang dần bão hòa.

7 – Khách hàng ồ ạt khai báo bổ sung thông tin thuê bao trước

Trong năm 2018, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng phải rà soát lại và yêu cầu khách hàng phải bổ sung thông tin tin cá nhân của thuê bao nếu thiếu, nếu thuê bao không đăng ký lại sẽ phải dừng liên lạc, thậm chí là cắt hợp đồng và hạn chót cho việc đăng ký lại thông tin là ngày 24/4/2018.

Để thực thi chính sách này rất nhiều thuê bao trả trước phải đi đăng ký lại thông tin khiến các cửa hàng, điểm đăng ký của nhà mạng bị quá tải. Đây là lần đầu tiên các nhà mạng phải trực cả đêm để cho thuê bao đăng ký lại thông tin cá nhân.

Các thuê bao di động lo bị cắt liên lạc, lũ lượt đi chụp ảnh chân dung

8 – Hủy hợp đồng MobiFone mua 95% cổ phần của AVG

Ngày 18/12/2018, MobiFone chính thức chấm dứt dự án mua 95% cổ phần AVG, thu về hơn hơn 8.775 tỷ đồng. Như vậy, thương vụ mua cổ phần của AVG đã bất thành sau 2 năm. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, MobiFone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm.

Thông báo Kết luận thanh tra nêu rõ, đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.

9- Cấm dùng thẻ cào thanh toán dịch vụ giá trị gia tăng

Hệ lụy của vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng là Chính phủ yêu cầu dừng việc thanh toán bằng thẻ cào đối với các dịch vụ nội dung số. Sau khi nhà mạng thông báo tạm dừng thanh toán thẻ cào trong những ngày qua, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số và game online cho biết, doanh thu của họ đã giảm từ 50-60%, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 90%.

Trước vấn đề này, Bộ TT&TT đã đề nghị Thủ tướng chính phủ xem xét cho phép sử dụng thẻ cào viễn thông để nạp tiền cho các dịch vụ nội dung số, nhằm phát triển các dịch vụ nội dung số theo quy định của pháp luật. 

10 – Thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

Ngày 28/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Ủy ban này sẽ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.

Leave a Reply

Your email address will not be published.